TẠNG TÌ
Theo y học cổ truyền, trong cơ thể con người có lục phủ, ngũ tạng.
Lục phủ gồm có Ruột Non, Đảm (Mật), Vị, Ruột Già, Bàng Quang, Tam Tiêu.
Ngũ tạng gồm có Tâm, Can, Tì, Phế, Thận.
Tên gọi các tạng phủ không hoàn toàn tương ứng với các bộ phận trong cơ thể, do đó thường được viết hoa để phân biệt.
Tạng Tì thuộc hành Thổ, bao gồm lá lách, tuyến tụy, và có thể liên quan đến một phần tá tràng (tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non), một phần chức năng tuyến thượng thận, tuyến giáp, và các cơ quan khác.
Theo cách gọi của Đông y, các lỗ trên cơ thể con người gọi là khiếu. Hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, và miệng (môi, lưỡi) là bảy khiếu (thất khiếu) trên mặt. Tình trạng của ngũ tạng được thể hiện bên ngoài qua các khiếu, gọi là khai khiếu.
Khai khiếu của tạng Tì là môi. Môi hồng hào tự nhiên thì tạng Tì khỏe. Khi tạng Tì suy yếu thì môi nhợt nhạt.
Trong Thập Nhị Kỳ Kinh, tạng Tì thuộc Túc Thái Âm Tì Kinh. (Thái có nghĩa là lớn, sâu. Âm chỉ phía bên trong của chân và bàn chân.)
Do đó, để giúp cho tạng Tì được khỏe mạnh, ngoài việc tập luyện toàn cơ thể, chúng ta có thể đặc biệt chú ý đến các động tác cho đôi chân và bàn chân.
LÁ LÁCH
Lá lách là một cơ quan đặc, hình xoan hơi dài, có màu nâu đỏ, nằm ở phần tư trên bên trái của vùng bụng. Lá lách nằm phía bên trái của bao tử (vị), dưới cơ hoành, dài trung bình 12 cm, nặng trung bình 150-200 gram. Lá lách nằm giữa xương sườn số 9 và 11.
Một trong các nhiệm vụ quan trọng của lá lách là lọc máu và điều hòa lượng tế bào máu trong hệ tuần hoàn.
*Dù không trực tiếp tiêu hóa thức ăn, lá lách kết hợp với bao tử (dạ dày) và các cơ quan khác để hoàn thành nhiệm vụ tiêu hóa, hấp thụ và vận chuyển các chất dinh dưỡng.
Vì thế, khi lá lách yếu sẽ gây ra các chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn, mệt mỏi, gầy yếu, tiêu chảy.
*Lá lách cũng phối hợp với thận và phế (phổi).
Do đó, khi lá lách suy yếu cũng có thể xảy ra: khoang bụng cổ trướng; nước trong tế bào tràn ra tứ chi gây phù thủng, nếu xuống đến đại tràng gây tiêu chảy.
*Lá lách là một phần của hệ bạch huyết, cấu trúc gần giống một hạch bạch huyết lớn.
*Lá lách đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn nhiễm, chống lại các tác nhân gây bệnh bằng cách dự trữ và kích hoạt các loại bạch cầu, giúp nhận diện, bắt giữ và tiêu diệt các tế bào lạ có hại cho cơ thể.
*Nếu lá lách bị tổn thương hoặc bệnh quá nặng, có thể cần giải phẫu cắt bỏ. Chúng ta có thể sống thiếu lá lách, tuy nhiên các cơ quan khác chỉ thay thế một phần chức năng của lá lách. Người không có lá lách dễ bị mắc một số loại nhiễm trùng.
TUYẾN TỤY (TỤY TẠNG)
Vị trí, hình dạng:
Tuyến tụy nằm trong vùng bụng trên, phía sau dạ dày, được bao quanh bởi lá lách, gan, ruột non.
Tuyến tụy có hình dạng dài, thuôn nhọn, dài trung bình khoảng 6-10 inch (15-25 cm), và có ba phần chính: đầu, thân, và đuôi.
Phần đầu tuyến tụy rộng hơn phần đuôi và nằm theo đường cong của tá tràng (khúc đầu của ruột non). Phần đuôi mỏng hơn, nằm hướng ra bên trái của bụng.
Chức năng:
*Tuyến tụy là cơ quan quan trọng trong tiến trình tiêu hóa và chuyển hóa (trao đổi chất).
Tuyến tụy chứa nhiều tuyến ngoại tiết sản xuất enzyme hỗ trợ tiêu hóa thức ăn.
Hàng ngày tuyến tụy tiết ra dịch tụy, chứa các enzyme tiêu hóa như lipase (phân hủy chất béo), protease (phân hủy chất đạm), amylase (phân hủy chất bột đường).
Dịch tụy từ ống tụy chính thường kết hợp với ống mật chủ, đổ vào tá tràng, giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.
*Tuyến tụy là một cơ quan nội tiết quan trọng có vai trò quyết định trong việc duy trì ổn định đường huyết.
Tuyến tụy chứa các tiểu đảo tụy (còn gọi là tiểu đảo Langerhans), nơi chứa các tế bào sản xuất nội tiết tố (hormone) chủ chốt, bao gồm tế bào beta (sản xuất insulin để làm giảm đường huyết), tế bào alpha (sản xuất glucagon để làm tăng đường huyết), tế bào delta (sản xuất somatostatin để điều hòa sự tiết ra của insulin và glucagon), và tế bào PP (sản xuất pancreatic polypeptide, giúp điều hòa các chức năng của tuyến tụy).
Khi mức đường huyết tăng cao (ví dụ, sau khi ăn), tế bào beta trong tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách: 1. giúp các tế bào (đặc biệt là tế bào cơ và tế bào mỡ) hấp thu glucose, 2. lưu trữ glucose dưới dạng glycogen trong gan và cơ, 3. ức chế sản xuất glucose trong gan.
Khi mức đường huyết xuống thấp (ví dụ, giữa các bữa ăn hoặc khi nhịn ăn), tế bào alpha trong tuyến tụy sẽ tiết ra glucagon để làm tăng lượng glucose trong máu bằng cách kích thích gan: 1. phân hủy glycogen thành glucose, 2. chuyển hóa các nguồn không phải carbohydrate (như axit amin) thành glucose.
Rối loạn tuyến tụy:
*Khi tuyến tụy suy yếu, hoạt động bị rối loạn, thì sẽ đưa đến 2 trường hợp: hạ hoặc tăng đường huyết.
Nếu tuyến tụy sản xuất quá nhiều insulin, thì sẽ làm hạ thấp đường huyết.
Nếu tuyến tụy sản xuất quá nhiều glucagon, thì sẽ làm tăng cao đường huyết.
Bệnh tiểu đường loại 1: Cơ thể không sản xuất insulin, người bệnh sẽ có rất nhiều biến chứng.
Bệnh tiểu đường loại 2: Tuyến tụy của bệnh nhân còn sản xuất insulin nhưng không đủ hoặc không đúng cách để điều chỉnh mức độ glucose.
*Nếu tuyến tụy quá suy yếu, có thể đưa đến viêm tuyến tụy hoặc gây rủi ro ung thư tuyến tụy trong vài trường hợp.
Bệnh viêm tuyến tụy gây ra những cơn đau cấp tính trong vài ngày và có thể trở thành mạn tính (mạn có nghĩa là từ từ, chậm chạp, dần dần), kéo dài nhiều năm.
Nếu không được trị dứt, bệnh viêm tuyến tụy mạn tính là yếu tố gây rủi ro có thể trở thành ung thư tuyến tụy.
Những triệu chứng ung thư tuyến tụy:
- Cơ thể suy yếu.
- Giảm cân bất thường.
- Buồn nôn, mửa.
- Chán ăn.
- Thường đau bụng vùng trên.
- Phân có màu xám.
Thông thường, khi có triệu chứng thì bệnh đã khá nặng.
Các yếu tố rủi ro có thể gây ung thư tuyến tụy:
- Gia đình có tiền sử ung thư tuyến tụy.
- Hút thuốc.
- Uống rượu, bia.
- Thừa cân, béo phì.
- Bệnh tiểu đường, nhất là loại 2.
- Viêm tuyến tụy mạn tính (kinh niên).
- Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến, nhiều mỡ động vật, ít rau củ quả.
- Lớn tuổi.
- Giới tính (nam thường mắc bệnh nhiều hơn nữ).
- Một số yếu tố di truyền (Lynch, BRCA).
- Tiếp xúc hóa chất nào đó trong môi trường làm việc.
NÂNG CAO SỨC KHỎE TẠNG TÌ
Để giúp tạng Tì (bao gồm lá lách, tuyến tụy) được khỏe mạnh, chúng ta nên thực hiện những điều căn bản như:
- Tập thể dục, khí công đúng, đều, đủ, đặc biệt chú ý đến các động tác cho đôi chân và bàn chân.
- Co giãn vùng sống lưng.
- Không hút thuốc.
- Không uống rượu, bia.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Ăn uống lành mạnh, đủ rau, củ, quả; đừng ăn nhiều chất béo no, đồ chiên, nướng khét.
- Ổn định cân nặng (không quá ốm, không lố cân).
- Tìm các sinh hoạt lành mạnh để giảm căng thẳng và thêm niềm vui trong cuộc sống.
Bài viết chỉ có tính cách chia sẻ thông tin, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị. Các bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế thực thụ khi có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến tình trạng sức khỏe.
- Đông y sĩ Lý Bình Sơn
Đường dẫn: https://www.lybinhson.com/2025/01/nang-cao-suc-khoe-tang-ti-la-lach-tuyen.html