Một ngày tháng sáu, Sơn đi công tác đã lâu, được phép về với gia đình. Đi bộ vài cây số ra khỏi miền quê mới chờ đón được chuyến xe đò dọc đường đất đỏ.
Trời mưa tầm tã, khách đồng hành đứng co ro mong xe đến, tất cả đều ướt át và lạnh lẽo; cùng cảnh ngộ khó khăn, mọi người chỉ biết im lặng nhìn nhau đồng cảm…
Cuối cùng, xe cũng dừng bánh. Được thoát cảnh gió mưa, ai cũng vui mừng, mau tìm chỗ ngồi, lau khô những giọt nước còn đọng trên người cho thân ấm lại…
Trên xe văng vẳng tiếng nhạc êm tai. Mọi người cùng thưởng thức, tựa lưng vào ghế tìm chút dễ chịu cho hành trình về thành phố.
Xe chạy một quãng xa, lại thấy một nhóm người đứng co ro đón xe bên đường, nhưng vì xe đã đầy nên không dừng lại. Hành khách trên xe dường như quá mệt mỏi và bận rộn, không buồn chú ý đến những người dưới đường đang rét buốt.
Nhìn qua khung cửa, thấy người chịu cảnh ướt lạnh như mình lúc nãy, Sơn cảm thấy thương họ quá. Phải chăng khi cùng một cảnh ngộ nghèo đói, hiểm nguy, gian khổ, người ta thường gần gũi, cảm thông và thương yêu nhau nhiều hơn? Và đến khi may mắn được nâng cao địa vị, ta thường dễ quên những người đồng cảnh ngộ với mình ngày trước?
Vợ chồng, khi còn nghèo khổ, cùng chia vui sẻ buồn, người ta vẫn có được hạnh phúc:
“Rau lang nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.”
Ruột bầu thường là món không ai giữ lại, còn rau lang thì ít tốn kém, thế mà trong cảnh bần hàn, vợ chồng chăm sóc cho nhau vẫn thấy ngọt ngon với gia vị tình yêu.
Nhưng mai kia, nếu như được thời, công thành danh toại, lên đỉnh vinh quang, đôi vợ chồng, hoặc ngay cả những người bạn chí cốt, có còn giữ trọn nghĩa tình hay không, lại là một chuyện khác.
Giá trị tuyệt vời xin dành tặng cho những ai vẫn không quên tình xưa nghĩa cũ, vẫn không quên những người đã từng trải qua cùng cảnh ngộ với mình. Trên đường đời, chúng ta đều là những “Lữ hành trong mưa” cả…
- Lý Bình Sơn, USA