20.8.23

Mặt mẩn đỏ khi uống rượu: Những điều nên biết

Sơn có một người học trò rất quý. Một hôm, người này đi nhà hàng ăn tối với vài người bạn. Ăn chưa được bao lâu, bỗng nhiên cả mặt mày mẩn đỏ, ngứa ngáy, nóng bừng. Bạn có bao giờ gặp trường hợp này chưa?

Khi hỏi ra, chủ nhân nhà hàng cho biết món ăn có nấu với chút rượu; đa số ai cũng nghĩ rằng khi rượu nấu vào sẽ bốc hơi, không còn chất cồn, đúng không? Người học trò của Sơn mỗi khi có rượu vào cơ thể, dù chỉ là một chút, cũng bị nổi mề đay, da đỏ bừng. Đây là một hiện tượng y tế có thật.

Mặt mẩn đỏ sau khi nhiễm rượu (alcohol flush) là một hình thức cơ thể không dung nạp được rượu (alcohol intolerance). Tình trạng này do đột biến di truyền (genetic mutation) ảnh hưởng 8% dân số trên thế giới (khoảng 560 triệu người). 

Khi rượu vào gan chúng ta, có 2 enzyme chính phụ trách việc chuyển hóa rượu. ADH (alcohol dehydrogenase) là enzyme chuyển rượu thành acetaldehyde. Acetaldehyde là một chất độc hại, nên liền sau đó, một enzyme khác tên ALDH (aldehyde dehydrogenase) nhanh chóng chuyển acetaldehyde thành acetate, một hợp chất ít độc hơn.

Enzyme ALDH có 4 dạng, cấu trúc hơi khác nhau (gọi là isoenzyme), nhưng tất cả đều có cùng một chức năng; trong số đó, ALDH2 phụ trách chính việc chuyển hóa chất độc acetaldehyde. Một người bị mẩn đỏ sau khi uống rượu là do gene biến thể, enzyme ALDH2 không hoạt động bình thường để phân hủy và chuyển hóa acetaldehyde. Hiện tượng nói ngắn gọn là mặt mẩn đỏ khi uống rượu, nhưng thật ra còn nhiều triệu chứng khác, như cổ, vai, ngực, hoặc cả người có thể mẩn đỏ, nổi mề đay, buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, áp huyết xuống thấp, tim đập nhanh.

Khoảng 45% những người thuộc miền đông Á châu (Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Việt Nam v.v.) bị mẩn đỏ khi uống rượu do ALDH2 khác thường. 

Thêm vào đó, khoảng 80% những người đông Á có biến thể di truyền ALD1B*2, khiến rượu biến thành acetaldehyde nhanh hơn trung bình. Nếu một người có gene biến thể ALD1B*2 cộng thêm ALDH2*2, thì chất độc acetaldehyde trong người vừa sản xuất nhanh, vừa không phân hủy được!

Acetaldehyde khiến các mạch máu giãn nở, đó là lý do khiến mặt hoặc cả người đỏ bừng. Uống thuốc kháng histamine có thể giúp bớt đỏ và bớt ngứa, nhưng chất độc acetaldehyde vẫn còn trong máu, không tan biến vào đâu vì enzyme không thể phân hủy một cách hữu hiệu được.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định acetaldehyde là một chất gây ung thư. Acetaldehyde hủy hoại DNA, khiến cơ thể không thể tự chữa lành khi bị hư hại. Các tế bào trong cơ thể theo "cẩm nang hướng dẫn" là DNA để phát triển và hoạt động. Khi DNA bị méo mó, tế bào sẽ sinh sôi nẩy nở bất thường, không kiểm soát được, tạo ra khối u ác tính. Do đó, nếu trong máu tích tụ nhiều acetaldehyde sẽ tăng nguy cơ ung thư (bao gồm ung thư thực quản, ung thư bao tử, ung thư vú), ngoài ra còn các nguy cơ khác như bệnh tim mạch, rỗng xương, tai biến mạch máu não.

Công chúng ngày nay vẫn chưa có ý thức nhiều về tình trạng cơ thể không dung nạp được rượu và biến thể di truyền. Bạn có thể thử DNA để biết rõ gene mình đang mang. 

Hãy lắng nghe và chú ý đến cơ thể của chính mình, nếu thấy khác thường khi có rượu vào thì phải ngưng ngay, và tốt nhất là từ đó về sau đừng cho rượu vào cơ thể nữa. Đây là vấn đề sức khỏe và tính mạng của bạn. 

Về việc thức ăn nấu rượu, rượu có bốc hơi không? Rượu trong thức ăn còn tùy thuộc bốc hơi ở nhiệt độ nào, sau thời gian bao lâu, bốc hơi được bao nhiêu phần trăm. Câu trả lời đơn giản là nếu nấu nhanh thì rượu không thể nào hoàn toàn bốc hơi được; điển hình là nấu 2 tiếng rưởi đồng hồ vẫn còn 5% chất rượu! 

Rất may, người học trò kể trên của Sơn sau này đã hiểu rõ hơn và biết cẩn thận tránh rượu. Nếu không, Sơn sẽ sớm mất đi một người thân, và gia đình, xã hội sẽ sớm mất một người tử tế, hữu dụng, thông minh và đạo đức. Cảm ơn em.

- Đông y sĩ Lý Bình Sơn

https://www.lybinhson.com/2023/08/mat-man-o-khi-uong-ruou-nhung-ieu-nen.html