16.8.23

Tự tôn, tự ti, tự ái, tự trọng

Trong các học trò của Sơn có những người sống ở nước ngoài đã lâu, chưa có dịp biết rõ về một số từ ngữ liên hệ tới bài Sơn giảng.

Khí Công Thẩm Mỹ™ là một phương pháp luyện tập do Sơn phối hợp từ kiến thức gia truyền và kinh nghiệm làm thầy thuốc nhiều năm qua. Khi đào tạo môn sinh trở thành huấn luyện viên Khí Công Thẩm Mỹ để sau này có thể chia sẻ với những người có nhân duyên, Sơn luôn nhắc nhở học viên nên khiêm tốn, không nên có thái độ tự tôn.

Tự tôn là tự mình tôn vinh mình, tự nâng mình lên quá đáng, xem mình là hay nhất, giỏi nhất, đúng nhất, biết nhiều hơn người khác. Tự tôn cũng gần nghĩa với tự cao, cho mình là cao nhất, hoặc tự đại, cho mình là to tát, vĩ đại nhất.

Người luyện tập Khí Công Thẩm Mỹ cũng không nên có tư tưởng tự ti. Tự ti là tự xem thường chính mình, mặc cảm về bản thân. 

Trong đời sống, khả năng của mỗi người mỗi khác. Có thể chúng ta chưa được dồi dào khả năng, kiến thức, hoặc kinh nghiệm để làm một việc gì đó giỏi giang bằng người khác, nhưng điều đó không có nghĩa là chấm hết, là đường cùng, và chúng ta chỉ ngồi đó than vãn "sao mình dở quá!" mà không hề tìm mọi cách để học hỏi, trau giồi cho có sự đổi thay, tiến bộ.  

Tương tự, trên thế giới luôn có kẻ giàu, người nghèo; nếu hiện tại chúng ta chưa được giàu có so với những người quen biết, thì cũng không vì thế mà mang nặng mặc cảm tự ti. Tục ngữ Việt Nam có câu "nghèo cho sạch, rách cho thơm"; tuy cuộc sống chúng ta có thể không được giàu sang như ý, nhưng chúng ta sống lương thiện và cố gắng hết sức để tự lực cánh sinh, thì không có lý do gì phải tự làm khổ mình với những tư tưởng đầy tiêu cực. 

Lại có những bạn tự ti mặc cảm vì ngoại hình của mình, thí dụ, chiều cao, cân nặng, tiêu chuẩn đẹp, xấu v.v. Thật ra, nếu cứ mãi so sánh với người khác thì suốt đời trái tim chúng ta sẽ không có giây phút bình an, vì lúc nào cũng có người hơn mình cả!

Ngoài việc tự làm khổ mình, chính sự tự ti cũng là đầu mối làm khổ người khác, vì người tự ti thường có khuynh hướng nhìn sự việc qua khía cạnh tiêu cực (trước nhất là với chính mình), dẫn đến sự ngấm ngầm ganh tỵ khi thấy người khác hơn mình. Có thể sự ganh tỵ ngấm ngầm này ban đầu chưa vội vàng bộc lộ, nhưng theo thời gian, sự ganh tỵ như một độc chất sẽ thể hiện ra ngoài, có khi là đột ngột bùng phát, đưa đến việc đánh mất hòa khí trong quan hệ xã hội (có thể là anh chị em, người thân quen, bạn học, đồng nghiệp v.v.), khiến chúng ta mất tình cảm, tự cô lập chính mình, rồi lại thêm mặc cảm tự ti "đời tôi cô đơn!"

Mặc cảm tự ti không giúp ích cho sức khỏe; ngược lại, tình trạng này lâu ngày có thể gây trầm cảm, hoang tưởng (nhận xét không dựa trên thực tế: chuyện không mà nghĩ là có, hoặc có mà nghĩ là không), nghi ngờ rằng người khác đang khinh thường, nói xấu sau lưng mình v.v... Trong một dịp khác, chúng ta sẽ bàn về cách khắc phục mặc cảm tự ti.

Tự ái cũng không nên có trong tâm thức của một môn sinh Khí Công Thẩm Mỹ. Tự ái là tự yêu mình "không hề nhẹ", người tự ái quá yêu bản ngã của mình, chấp nặng vào cái tôi của mình, đến nỗi khi có người đóng góp ý kiến xây dựng, ta lại nhạy cảm, dỗi hờn, bừng bừng nóng giận, nói chung là không tốt cho sức khỏe của chính mình và không ít thì nhiều cũng làm ô nhiễm người khác với những gì không đẹp! 

Tự thương yêu chính mình là lẽ đương nhiên và là điều nên làm, vì khi biết tự thương mình thì chúng ta mới có đủ năng lực, đủ bình tĩnh để tồn tại và thương yêu người khác một cách thông minh, trọn vẹn. Nếu vì quá thương con cái, quá thương gia đình, quá thương một cá nhân, một tập thể, một lý tưởng nào đó... mà chúng ta quên bản thân mình, thì chắc gì chúng ta sẽ còn đủ sức để tiếp tục yêu thương. 

Tự thương mình (vừa phải) là điều lành mạnh, nhưng tự ái thì không. Khi bớt tự ái, biết lắng nghe, biết khiêm nhường, là chúng ta đang vun xới cho mảnh đất tâm hồn của mình ngày càng thêm đẹp xinh, thêm sang trọng.

Người thực tập Khí Công Thẩm Mỹ đúng nghĩa là một người tự trọng. Thế nào là tự trọng? 

Tự trọng là tự mình biết tôn trọng chính mình, biết trân quý giá trị của mình, biết giữ gìn phẩm cách của mình. Hành động và lời nói của người tự trọng khiến không ai có thể xem thường, đánh giá thấp, hoặc mất niềm tin nơi họ, bởi người tự trọng là người biết tôn trọng người khác. Chính sự tôn trọng lẫn nhau trong các mối quan hệ và giao tiếp ngoài xã hội là nền tảng của sự hòa thuận, bình yên, đưa đến niềm vui và sức khỏe. 

- Đông y sĩ Lý Bình Sơn

https://www.lybinhson.com/2023/08/tu-ton-tu-ti-tu-ai-tu-trong.html