Trong ngôn ngữ Việt, chữ "ruột" được dùng để biểu tượng cho nhiều tình trạng khác nhau.
"Mát ruột" diễn tả sự hài lòng; "lộn ruột", "tím ruột" diễn tả sự tức giận; "xót ruột", "xé ruột", "quặn ruột", "đứt ruột" mô tả sự đau lòng; "thắt ruột" chỉ sự âu lo; "nóng ruột", "sốt ruột" nói lên tâm tư của người đang trông đợi.
Chữ "ruột" còn được dùng để nói lên tính cách ("ruột để ngoài da") hoặc tình cảm ("máu chảy ruột mềm"). Tiền và ruột đều có giá trị nên có câu "đồng tiền liền khúc ruột".
Ta có thể thấy, trong tiếng Việt, chữ "ruột" gắn bó với cảm xúc, với những gì quan trọng. Nói về phương diện sức khỏe, chức năng của đường ruột được xem là rất quan trọng trong hệ tiêu hóa nói riêng và trong cơ thể nói chung.
✅ Trong cơ thể con người, đường ruột được chia làm 2 phần: ruột non và ruột già.
Đa số đường ruột nằm trong vùng bụng dưới, nối từ dạ dày đến hậu môn.
Hoạt động dựa trên những chuyển động cơ, đường ruột là cơ quan quan trọng hoàn thiện quá trình tiêu hóa, hấp thụ các dưỡng chất thiết yếu trong thức ăn, thức uống, và hỗ trợ bài tiết chất thải. Nói chung, đường ruột ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Thức ăn, thức uống, sau thời gian đi qua dạ dày (bao tử), sẽ chuyển vào ruột non, rồi đi đến ruột già.
✅ Ruột non là một cơ quan dạng ống, dài trung bình khoảng 6-7 mét (20-23 feet). Đây là đoạn dài nhất của đường tiêu hoa của chúng ta. Diện tích hấp thụ của ruột non khoảng 250 mét vuông - xấp xỉ diện tích một sân tennis! Hầu hết tiến trình tiêu hóa được diễn ra tại ruột non.
Ruột non nối dạ dày qua lỗ môn vị, được chia thành 3 phần như sau, chiều dài xê xích tùy theo mỗi cá nhân:
- Tá tràng (phần đầu tiên của ruột non): đây là phần ngắn nhất, khoảng 25-30cm (10-12 inches). Tá tràng nhận thức ăn, thức uống từ dạ dày, sử dụng dịch mật (do gan tiết ra) được trữ ở túi mật và dịch tiêu hóa từ tuyến tụy để tiêu hóa thực phẩm.
- Hỗng tràng (phần giữa của ruột non): dài khoảng 2,5 mét (8 feet).
- Hồi tràng (phần cuối của ruột non): dài khoảng 3-4 mét (10-13 feet).
Hỗng tràng và hồi tràng hấp thụ phần lớn dưỡng chất, trực tiếp đưa vào máu để cung cấp cho toàn cơ thể.
✅ Ruột già cũng dạng ống nhưng lớn hơn ruột non, dài trung bình 1,5 mét (5 feet), được cấu tạo từ cơ và mô, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa.
Ruột già hoàn thành quá trình tiêu hóa bằng cách hấp thụ nước và các dưỡng chất còn sót lại; phần chất thải được chuyển hóa thành phân để bài tiết ra ngoài.
Ruột già (còn gọi là đại tràng) bao gồm manh tràng, kết tràng, trực tràng, ống hậu môn.
- Manh tràng là phần đầu của ruột già; gắn với manh tràng ở một đầu là ruột thừa (ruột dư).
- Kết tràng, bộ phận chính của ruột già, có 4 phần nhỏ: kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống, kết tràng sigma (hình chữ S, uốn cong vào giữa ruột non, rồi đổ vào trực tràng).
- Trực tràng và hậu môn là phần cuối của đường tiêu hóa, vì thẳng nên gọi là trực tràng. Trực tràng chứa chất thải còn sót lại (gọi là phân), duy trì trạng thái mở rộng cho đến khi đại tiện.
Xem thêm trên youtube: Đường ruột: Phần 1
✅ Theo sự hiểu biết của Sơn từ Đông y gia truyền, có 3 điều chính yếu liên quan đến ruột.
1. Thứ nhất, sự trường thọ nằm ở bụng.
Trong vùng bụng có bộ tiêu hóa, nếu tiến trình tiêu hóa thức ăn, thức uống tốt; hấp thụ dưỡng chất thiết yếu tốt; đào thải chất cặn bả tốt... thì sức khỏe tốt giúp chúng ta sống lâu dài, trường thọ.
2. Thứ nhì, đường ruột là bộ não thứ hai.
Bất cứ cảm xúc nào (hỷ, nộ, ái, ố) (vui, giận, yêu, ghét) làm chúng ta quá căng thẳng (stress), thì chúng ta thường bị đau bụng.
Khi chúng ta bị căng thẳng, thì tim và phổi hoạt động không được bình thường, khí huyết bị xáo trộn.
Theo thuyết Âm Dương trong Đông y, âm dương ảnh hưởng và hỗ trợ nhau:
Tim (Dương) - Ruột Non (Âm)
Phổi (Dương) - Ruột Già (Âm)
Khi tim, phổi (khí huyết) bị xáo trộn, cũng khiến cho ruột non, ruột già bị xáo trộn, mất ổn định, sinh ra những cơn đau bụng.
3. Thứ ba, bệnh run tay chân (bệnh Parkinson) nguyên nhân chính xuất phát từ đường ruột.
Nếu chúng ta ăn uống thiếu vệ sinh, không đúng cách (thí dụ: không đủ rau, củ, quả, chất xơ)... những độc tố và chất cặn bả trong thành đường ruột không được đào thải ra ngoài, lại bị hấp thụ vào máu và chuyển lên não, khiến những phần rất quan trọng trong não dần dần bị tổn thương và sinh ra nhiều chứng bệnh về thần kinh, trong đó có bệnh run tay, chân (Parkinson).
Xem thêm trên youtube: Đường ruột: Phần 2
✅ Khi sự tiêu hóa bất bình thường có nghĩa là đường ruột bị rối loạn và thường có những triệu chứng như: đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, xì hơi (hậu môn) nhiều hơn...
Chúng ta phải chú ý, tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng đó, và tìm cách ngăn chặn nguyên nhân để chấm dứt những triệu chứng.
Những nguyên nhân thông thường:
- Trúng độc thức ăn, thức uống
- Ăn thiếu rau, củ, quả, chất xơ
- Thiếu cộng sinh để cân bằng hệ vi sinh đường ruột
- Uống loại thuốc nào đó gây rối loạn trong đường ruột
- Khi não bộ bị quá căng thẳng
- Nhiễm trùng đường ruột
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm loét đại tràng
- Ung thư đại trực tràng
Trước khi để nặng hơn, hãy đi đến bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế.
Xem thêm trên youtube: Đường ruột: Phần 3
✅ Có những phương cách phòng ngừa để giúp cho đường ruột được tiêu hóa, hấp thụ, và đào thải tốt.
Tùy tình trạng sức khỏe của mỗi người, chúng ta nên:
- Dùng những thức ăn, thức uống dễ tiêu và hợp vệ sinh.
- Nên ăn chậm.
- Ăn đều, đủ những rau, củ, quả thích hợp.
- Uống đủ nước trong ngày, khoảng 2 lít (tùy trọng lượng cơ thể và thời tiết), vì ruột non mỗi ngày cần tiếp nhận trung bình 9 lít chất lỏng (từ dạ dày nghiền nhỏ thức ăn biến thành dạng lỏng chuyển xuống ruột non).
- Ngủ, nghỉ đều, đủ.
- Sống vui, suy nghĩ tích cực, tập buông xả phiền não, tránh những căng thẳng thần kinh não bộ.
- Thường xuyên tập thể dục đúng, đều, đủ.
- Chú ý làm co giãn vùng xương sống lưng dưới (vùng thắt lưng) L3 -> S1.
- Dùng lòng bàn tay xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 9 vòng, xoa từ trung tâm rún, xoa vòng tròn nhỏ và lớn dần. Mỗi lần có thể xoa 9, 18, hoặc 27 vòng, và có thể xoa nhiều lần trong ngày, tùy trường hợp sức khỏe của mỗi người.
Trên đây là những điều Sơn biết được và thực hành để giữ gìn sức khỏe cho chính mình. Sơn chúc các bạn được sức khỏe dồi dào, từ đó cuộc sống thêm niềm vui và hạnh phúc.
Xem thêm trên youtube: Đường ruột: Phần 4
- Đông y sĩ Lý Bình Sơn