29.5.24

Trái Tim Con Người


Trái tim vô cùng quan trọng trong cơ thể con người. 

Tim là bộ phận chính của hệ tuần hoàn. 

Trái tim đưa máu giàu dưỡng chất và dưỡng khí (oxy) đi khắp cơ thể để nuôi các cơ quan và tất cả tế bào, giúp chúng ta duy trì sự sống. 


VỊ TRÍ, KÍCH THƯỚC, CÂN NẶNG

Trái tim nằm trong lồng ngực, giữa hai lá phổi, sau xương ức (một xương dẹt ở phía trước lồng ngực) và nghiêng một chút về bên trái. 

Trái tim của mỗi người to gần bằng nắm tay của người đó, nặng trung bình khoảng 230 đến 340 gram (1/2 - 3/4 cân Anh).

Nam giới thường có trái tim lớn hơn so với nữ giới.

  • Nam: Khoảng 280-340 grams (10-12 ounces)
  • Nữ: Khoảng 230-300 grams (8-10 ounces)
  • Nếu thường xuyên luyện tập thể dục, khí công v.v. thì có thể giúp cơ tim mạnh hơn.

    CẤU TRÚC

    Trái tim con người có 4 ngăn:

    2 ngăn trên, nhỏ hơn, là tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải.

    2 ngăn dưới, lớn hơn, là tâm thất trái và tâm thất phải. 


    HOẠT ĐỘNG CỦA TIM

    Mỗi ngày tim đập liên tục trung bình 100.000 lần. Trái tim người trưởng thành bơm khoảng 5, 6 lít máu mỗi phút ở trạng thái nghỉ; khi chúng ta chạy hoặc tập thể dục, tim có thể bơm gấp 3-4 lần như thế để bảo đảm cơ thể có đủ oxy và năng lượng. 

    Nếu việc bơm máu của tim mất hiệu quả dù chỉ trong vài phút thì rất nguy hiểm cho tính mạng con người.

    Máu đầy đủ oxy từ tim đi ra theo các động mạch để đến khắp nơi toàn cơ thể.

    Máu nghèo oxy từ khắp nơi trong cơ thể theo các tĩnh mạch để trở về tim.

    Mao mạch là những mạch máu nhỏ nhất, có thành mỏng, nối động mạch và tĩnh mạch, giúp trao đổi oxy, carbon dioxide, dưỡng chất và chất thải giữa máu và các mô.

    Tâm thất trái bơm máu giàu oxy lên động mạch chủ, mang đi đến khắp cơ thể để nuôi tất cả các tế bào.

    Máu nghèo oxy trở về tâm nhĩ phải theo 2 tĩnh mạch lớn.

    Máu nghèo oxy từ tâm nhĩ phải đổ vào tâm thất phải để bơm vào động mạch phổi.

    Sau khi thu thập oxy, 4 tĩnh mạch phổi chuyển máu vào tâm nhĩ trái.

    Máu giàu oxy từ tâm nhĩ trái được chuyển vào tâm thất trái

    Và như thế, chu kỳ mới được tiếp tục.

    Courtesy of Dr.JanaOfficial
    CC Attribution-Share Alike 4.0 International license



    MỘT SỐ BỆNH TIM THƯỜNG GẶP

    Bệnh tim là do rối loạn nhịp tim, mạch máu, hoặc cả hai. Các bệnh tim gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

    Bệnh cơ tim giãn có các biểu hiện như suy tim, loạn nhịp. Các ngăn tim bị giãn do hậu quả của yếu cơ tim, không thể bơm máu đúng cách. Lý do thông thường nhất là không đủ oxy đến cơ tim do bệnh động mạch vành.

    Bệnh động mạch vành (bệnh tim mạch vành, xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ): Mạch máu vành tim bị nghẽn bởi các mảng xơ vữa (gồm các cặn béo, cholesterol và các chất khác), khiến lượng máu và oxy đến tim bị giảm, gây ra các cơn đau thắt ngực và trong các trường hợp nghiêm trọng, tắc nghẽn đột ngột đưa đến nhồi máu cơ tim, khiến tim bị tổn thương vĩnh viễn. Bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cho cơ tim hoạt động nhiều hơn và tim sẽ yếu dần, dẫn đến suy tim và rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm.

    Bệnh rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường, khi nhanh, khi chậm, thay đổi quá nhanh, không đều. Bệnh này thường do nhân điện yếu, tim hoạt động không bình thường. Nên kịp thời đi đến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để tránh tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra.

    Bệnh van tim có thể do bẩm sinh, hoặc rối loạn mô liên kết, hoặc yếu nhân điện. Thường gặp là hở van tim, khiến máu chạy ngược, làm tim rất mệt, và nguy hiểm.

    Ngoài ra, một số bệnh liên quan khác bao gồm: nhồi máu cơ tim, suy tim, cơ tim phì đại, hẹp động mạch phổi, cao huyết áp, tai biến mạch máu não.


    TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA BỆNH TIM

    • Khó thở thường xuyên.
    • Tức ngực, nặng ngực (có thể kéo dài đến 10 phút).
    • Bị phù mặt, phù mí mắt, chân bị sưng to (vào thời điểm nào đó trong ngày).
    • Mệt mỏi, kiệt sức thường xuyên (có thể do thiếu máu đến tim, phổi, não).
    • Ho dai dẳng. Khi nằm ho, rất khó thở. Tim không cung cấp máu đầy đủ cho cơ thể, nên có sự tích tụ máu và dịch trong phổi.
    • Chán ăn, buồn nôn (một trong những nguyên nhân chán ăn là do sự tích tụ dịch trong gan và hệ tiêu hóa).
    • Đi tiểu đêm thường xuyên. Suy tim gây tích tụ nước, làm sưng nhiều nơi trong cơ thể, kể cả thận.
    • Nhịp tim nhanh, không đều, bất thường, khiến não thiếu máu, làm chóng mặt hoặc ngất xỉu.


    NHỮNG YẾU TỐ ĐƯA ĐẾN NGUY CƠ MẮC BỆNH TIM

    • Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ tuổi.
    • Giới tính: Nam giới có có nguy cơ cao hơn nữ giới.
    • Di truyền: Nếu người thân trực hệ mắc bệnh tim mạch, bạn có nguy cơ cao hơn.
    • Hút thuốc, uống rượu: Người hút thuốc, uống rượu có nguy cơ cao hơn người không hút thuốc, uống rượu.
    • Béo phì.
    • Bệnh tiểu đường.
    • Cao huyết áp. Nguy cơ suy tim ở nam giới tăng gấp ĐÔI do huyết áp cao, ở phụ nữ tăng gấp BA lần.
    • Cholesterol cao.
    • Ăn uống không lành mạnh, chẳng hạn như thường xuyên ăn uống các chất béo không hòa tan, thiếu rau, củ, quả.
    • Mất ngủ, thiếu ngủ.
    • Căng thẳng (stress).
    • Lối sống không lành mạnh, như lười vận động, thiếu hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh.


    TRÁI TIM THEO QUAN NIỆM ĐÔNG Y

    Trái tim là cơ quan quan trọng nhất trong lục phủ ngũ tạng.

    Trong thập nhị kỳ kinh, kinh mạch của trái tim là Thủ Thiếu Âm Tâm Kinh, chạy dọc bên trong 2 cánh tay và 2 bàn tay.

    Do đó, để giúp cho trái tim khỏe mạnh, chúng ta phải thường xuyên tập thể dục, tập khí công, đặc biệt là 2 cánh tay và 2 bàn tay.

    Máu di chuyển vào, ra 4 ngăn tim đều phải đi qua các van tim, chúng ta có thể hình dung như các nắp đậy hoặc cánh cửa. 

    Các cánh cửa này đóng, mở là nhờ nhân điện. Mức độ đóng, mở của cánh cửa nhanh hay chậm tùy lượng máu đi qua, tùy hoạt động và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

    Nếu chúng ta có nhân điện mạnh thì các cánh cửa này sẽ đóng, mở đúng lúc, chặt chẽ, thích hợp với độ nhanh chậm của lượng máu đi qua. Thí dụ, khi chúng ta làm việc chân tay nặng nhọc, chơi thể thao v.v. thì lượng máu đi qua các cánh cửa này nhiều hơn và nhanh hơn.

    Khi luyện tập khí công đúng, đều, đủ, chúng ta tạo được luồng nhân điện mạnh để điều khiển và điều hòa nhịp tim. 


    NHỮNG PHƯƠNG CÁCH GIÚP TIM KHỎE, NGỪA BỆNH TIM

    • Sống tích cực, vui vẻ, thương yêu, buông xả, tránh căng thẳng.
    • Duy trì mức tiêu chuẩn của chiều cao và sức nặng (không quá ốm, cũng không lố cân, béo phì).
    • Không hút thuốc.
    • Không uống rượu, bia.
    • Ăn uống lành mạnh, đừng để thiếu rau, củ, quả... trong thức ăn hàng ngày.
    • Ăn chậm, vừa phải, không nên ăn uống quá nhanh.
    • Ngủ nghỉ đầy đủ.
    • Thường xuyên tập thể dục đúng, đều, đủ, làm co giãn vùng T4 của xương sống.
    • Tập khí công toàn thân, đặc biệt 2 cánh tay và 2 bàn tay.


    VÀI LỜI CHIA SẺ KINH NGHIỆM BẢN THÂN

    Trong cuộc sống, có khi chúng ta không tránh được những hiểm nguy ngay trong lúc đơn độc, xung quanh không có ai để cứu giúp mình.

    Trên đoạn đường đời đã qua, Sơn đã gặp những giây phút "thập tử nhất sinh", trong lúc hoàn toàn không có ai bên cạnh. 

    Nhờ những kiến thức y khoa học hỏi từ Đông y của gia đình, học đường và xã hội, Sơn đã tự cứu chữa cho chính mình và đã thoát khỏi cái chết trong gang tấc.

    Tùy theo trường hợp mà chúng ta áp dụng những giải pháp khác nhau để vượt qua những tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe.

    Trong phạm vi bài này, Sơn xin nói về mối nguy hiểm liên quan trực tiếp đến tim cho cá nhân Sơn.

    Có một thời gian dài trong tuổi thanh xuân, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, Sơn đã sống trong điều kiện cô độc, thiếu thốn mọi phương tiện sống về vật chất lẫn tinh thần. 

    Trong tình huống đó, có những cơn bệnh và triệu chứng đã ập đến như cảm cúm, sốt, tim đập thất thường, lúc nhanh quá, lúc chậm quá, choáng váng, nhức đầu, khó thở, vô cùng mệt mỏi.

    Ngay những khi đó, Sơn đã cố gắng bình tâm để nhớ lại những động tác nào mình cần phải làm để cứu chữa cho chính mình, rồi Sơn bắt đầu thực hiện.

    💖 Trước hết, hít xả 3 lần. 

    Hít xả theo khí công mà Sơn thực hành là:

    1. Xả (thở mạnh ra bằng miệng, tống hết trược khí ra ngoài).

    2. Hít (hít vào bằng mũi, đưa thanh khí vào phổi).

    3. Xả (thở mạnh ra bằng miệng, tống hết trược khí ra ngoài).

    4. Hít (hít vào bằng mũi, đưa thanh khí vào phổi).

    5. Xả (thở mạnh ra bằng miệng, tống hết trược khí ra ngoài).

    6. Hít (hít vào bằng mũi, đưa thanh khí vào phổi).

    7. Xả (thở mạnh ra bằng miệng, tống hết trược khí ra ngoài).

    💖 Sau đó, hít thở sâu, chậm, nhẹ và đều... vài phút.

    💖 Dùng 2 bàn tay day, ấn và xoa toàn bộ các huyệt trên đầu, mặt, và cổ.

    💖 Kế tiếp, xoa tim theo chiều kim đồng hồ, 3 lần 9 vòng (tổng cộng 27 vòng).

    💖 Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 9 vòng, từ vòng nhỏ (trung tâm rún) đến vòng lớn. Xoa 3 lần 9 (tổng cộng 27 vòng).

    💖 Tiếp đến, Sơn xoa 2 cánh tay. Dùng bàn tay phải xoa bên trong và bên ngoài cánh tay trái. Dùng bàn tay trái xoa bên trong và bên ngoài cánh tay phải.

    💖 Rồi dùng 2 bàn tay day, ấn, xoa cho nhau, cả lòng bàn tay và lưng bàn tay.

    💖 Sau cùng, hít xả 3 lần như trên, rồi hít thở sâu, chậm, đều... thêm vài phút.

    Chính nhờ những động tác này, Sơn đã vượt thoát qua những giây phút nguy hiểm đến mạng sống, nhịp tim đều đặn trở lại, bớt nhức đầu và choáng váng, dễ thở hơn. 

    Được sống sót sau những trường hợp khẩn cấp, và bây giờ, trong hoàn cảnh tươi sáng ngày hôm nay, Sơn cũng mong Sơn và tất cả các bạn được sống khỏe, sống lâu, sống vui, sống có chất lượng.

    Tất nhiên, khi cảm thấy cơ thể có vấn đề, thì chúng ta nên tham khảo trực tiếp với chuyên gia y tế mà mình tin tưởng. Phải tìm người có kiến thức, có bằng cấp chuyên môn, có lương tâm, có nhiều kinh nghiệm trị liệu bệnh nhân, vì sức khỏe của chính mình là quý và trên hết.

    - Đông y sĩ Lý Bình Sơn, USA