9.9.24

Phổi & Hệ Hô Hấp

 


KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG HÔ HẤP

Hệ hô hấp bao gồm các cơ quan: mũi, miệng, họng, hầu, thanh quản, khí quản (ống dẫn khí), phổi, phế quản, tiểu phế quản, phế nang, và các cơ hô hấp.

Hầu hết các tế bào trong cơ thể đều cần oxy để hoạt động. Không có oxy, phần đông các tế bào không thể tồn tại.

Chức năng chính của hệ hô hấp là tạo điều kiện cho sự trao đổi khí: hấp thu oxy và thải trừ carbon dioxide. Nói cách khác, hệ hô hấp đưa oxy từ không khí vào và loại khí thải carbon dioxide ra khỏi cơ thể. 

Khi cơ thể chúng ta không có bệnh, pH bình thường trong máu khoảng từ 7,35 đến 7,45, trung bình là 7,4. Nếu acid trong máu cao quá thì gọi là nhiễm toan, nếu kiềm trong máu cao quá thì gọi là nhiễm kiềm. Hệ hô hấp giúp điều hòa độ pH của máu bằng cách đào thải khí carbon dioxide, duy trì thăng bằng độ toan-kiềm (acid-base) trong cơ thể. 

Hệ hô hấp lọc các hạt gây hại và vi trùng trong không khí mà chúng ta hít vào, giúp chúng ta tránh nhiễm trùng.

Chúng ta có thể nói và ca hát được nhờ hệ hô hấp làm rung dây thanh quản khi không khí đi qua thanh quản.

Hệ hô hấp giúp chúng ta phát hiện mùi bằng cách di chuyển các phân tử có mùi trong không khí qua các thụ thể khứu giác trong khoang mũi.

Hệ hô hấp làm ấm và thêm độ ẩm cho không khí mà chúng ta hít vào, để bảo vệ các mô mong manh của đường hô hấp và giúp không khí có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp khi đến phổi. 

Trách nhiệm của hệ hô hấp thật nhiều và thiết yếu. Hệ hô hấp quả thật là một thành viên xuất sắc và chăm chỉ trong cơ thể, xứng đáng được trân trọng!

ĐƯỜNG HÔ HẤP

Đường hô hấp thường được chia làm 2 phần: trên và dưới.

Phần trên bao gồm mũi, miệng, xoang, hầu, và thanh quản.

Phần dưới gồm có khí quản, phổi, phế quản (cuống phổi), tiểu phế quản (cuống phổi nhỏ), và phế nang (túi phổi). 

Ranh giới giữa đường hô hấp trên và dưới thường được xem là nằm ở mức dây thanh đới trong thanh quản. Tất cả các cấu trúc phía trên được coi là đường hô hấp trên, và tất cả phía dưới là đường hô hấp dưới.

Đường hô hấp dẫn khí bên ngoài đi vào từ mũi hoặc miệng đến phế nang, nơi khí oxy và carbon dioxide được trao đổi.

LÁ PHỔI CHÚNG TA

Phổi là cơ quan lớn nhất của hệ hô hấp. Phổi rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Phổi nằm trong lồng ngực, dưới cổ, và trên hoành cách mô.

Phổi được cấu tạo rất tinh vi và phức tạp, giúp duy trì sự sống cho cơ thể. 

Phổi được bọc trong một túi màng mỏng (gọi là màng phổi), có kết cấu nhẹ, mềm, xốp, đàn hồi.

Nói chung, mỗi người có 2 lá phổi.

Mỗi phổi được tạo thành từ các thùy. 

Phổi phải có 3 thùy. 

Phổi trái có 2 thùy (do tim chiếm không gian).

Trung bình, một lá phổi của người trưởng thành nặng khoảng 0,6 kg (1,3 cân Anh), phổi trái nhỏ hơn phổi phải. 

Phổi dài khoảng 23 cm (9 inch), khi nở hoàn toàn có thể dài 27 cm (gần 11 inch).

Phổi trẻ sơ sinh có khoảng 30 triệu phế nang. Phổi người lớn có khoảng 300 triệu phế nang, có thể chứa khoảng 6 lít khí.

MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG BỆNH HÔ HẤP

Những triệu chứng thường gặp để biết bệnh về đường hô hấp:

  • Ho, có thể có đờm
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
  • Sốt, có thể kèm theo khò khè
  • Khó thở
  • Tức ngực

NHỮNG BỆNH HÔ HẤP THƯỜNG GẶP

  • Viêm phổi (sưng phổi)
  • Viêm phế quản
  • Viêm màng phổi
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Ung thư phổi
  • Bụi phổi
  • Phù phổi
  • Xơ hóa phổi
  • Thuyên tắc phổi (tắc mạch phổi)
  • Hội chứng suy hô hấp
  • Hen phế quản
  • Tăng áp động mạch phổi
  • Bệnh u hạt

ĐIỀU TRỊ

Các bệnh cấp tính phải cần ngay nền y học hiện đại, có máy móc, trang thiết bị giúp bác sĩ chẩn đoán, tìm ra cách điều trị nhanh chóng và kịp thời cơn cấp tính.

Còn Đông y, nền y học cổ truyền, điều trị lâu dài các bệnh mạn tính, giúp ổn định lại các tạng phủ, cân bằng âm dương, giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe, ngăn chặn sự tái phát của các bệnh mạn tính, rất hiếm có biến chứng phụ.

PHỔI & HỆ THỐNG HÔ HẤP THEO ĐÔNG Y

*Viêm phổi

Nguyên nhân chính là do chân khí suy nhược, chức năng của các tạng phủ bị rối loạn khiến tà khí bên ngoài xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể mà gây thành bệnh.

*Viêm đường hô hấp trên cấp tính & Viêm phế quản cấp tính

Theo Đông y, nguyên nhân chính là do phong hàn, phong nhiệt gây ra. 

*Khi các tạng phủ quá suy yếu, mất cân bằng âm dương thì sẽ gây ra các bệnh mạn tính. 

Thí dụ như hen suyễn, khí đưa lên nhiều mà đưa xuống ít, hít thở gấp gáp, cổ họng phát ra tiếng, khó thở. Theo Đông y, nguyên nhân chính sinh ra bệnh suyễn là do 3 tạng Tỳ, Thận, Phế suy yếu.

NHỮNG CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH HÔ HẤP & BỆNH PHỔI

  • Không hút thuốc
  • Không uống rượu
  • Không thức khuya
  • Ăn uống lành mạnh
  • Sống tích cực, giảm căng thẳng
  • Tránh hít thở không khí quá nóng hoặc quá lạnh
  • Thường xuyên tập thể dục đúng, đều, đủ
  • Chú ý làm co giãn vùng xương sống lưng trên T2
  • Tập khí công, luân chuyển khí toàn thân, chú ý đến 2 cánh tay. Theo Đông y, phổi là Tạng Phế, trong kinh mạch thuộc Thủ Thái Âm Phế Kinh. Đường kinh mạch đi từ cuống phổi đi ngang ra dưới nách, đi dọc theo cánh tay phía bên trong, ra tới đầu ngón tay cái. Nhiệm vụ của Tạng Phế là thu nhận thanh khí và thải trược khí ra khỏi cơ thể.

- Đông y sĩ Lý Bình Sơn, USA


Xem trên Youtube: https://youtu.be/bsghxzGmZKI